Lịch sử Emmaus

Em-mau được nhắc đến nhiều trong Tân Ước. Vì nằm trong một vị trí chiến lược, nên trong lịch sử Em-mau đã có một vai trò hành chính, kinh tế và quân sự quan trọng. Địa danh ấy đã được nhắc đến lần đầu tiên trong sách Ma–ca-bê quyển thứ nhất chương 3 và 4, trong bối cảnh Giu-đa Ma-ca-bê đứng dậy chống lại quân Hy-lạp (thế kỷ thứ II trước Chúa giáng sinh). Rồi vào thời Hat-mo-nê–en, Em-mau đã trở thành vùng trọng điểm trong thung lũng Ai–a–lon và có vị thế là trung tâm hành chính vùng (trung tâm của các vùng Pa-let-tin dưới quyền kiểm soát của quân La-mã.) (xem Fơ-la-vi-ut Giô-sep, Cuộc chiến Do Thái chống người La-mã 2, 4, 3; 2, 20, 4; 3, 3, 5; 4, 8, 1; 5, 1, 6; Cổ vật Do thái 14, 11, 2; 14, 15, 7; 17, 10,7-9). Mặt khác, ông ta còn nói đến sự phá hủy của Em-mau do quân La-mã gây nên vào năm thứ 4 trước CN (Do Thái thời cổ đại 17, 10, 7-9). Bị san bằng bởi quân La-mã, Em-mau bỗng biến thành một ngôi làng nhỏ và tiếp đến được nhắc đến trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 24, 13…31: « Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng 160 xtat. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người… Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người... "

Sau sự thất bại của cuộc nổi dậy Ba-rơ-Ko-khơ-ba vào giữa nửa đầu thế kỷ thứ II sau Công Nguyên, người La-mã và Sa-ma-ri-a đã đến cư ngụ tại Em-mau. Vào đầu thế kỷ thứ III sau Công Nguyên, một nhà văn uyên bác Kitô giáo gốc La–mã tên là Giu-let A-phơ-ri-ken (Julius Africanus) sống và làm việc tại Em-mau. Theo các sử gia thời By-zăng-tinh {thánh Ơ-dep-bơ Đơ Xê-da-rê (Eusèbe de Cesarée), thánh Giêrôm (Jérôme), Phi-lip-pơ Đơ Xit-đơ (Philippe de Side) và một số người khác}, thì Giu-let A-phơ-ri-ken đã từng đứng đầu một phái đoàn đại diện cho dân vùng Em-mau yết kiến vua La–mã Ê-ga-ban-lơ (Elagabale), nhờ vậy nhà Vua đã ban đặc huệ nâng Em-mau lên cấp thành phố (còn được gọi là «polis») và tên thành phố là Ni-cô-pô-lit sẽ tồn tại cho đến cuối thời La-mã và trong suốt thời By-zăng-tinh.

« Em-mau, nơi xuất thân của Cơ-lê–ô–phat, người được nói đến trong Tin Mừng theo thánh Luca, hôm nay gọi là Ni-cô-pô-lit, một thành phố danh tiếng của Pa-let-tin » (thánh Ơ-dep-bơ Đơ Xê-da-rê, « Onomasticon », 90, 15-17, đoạn văn được viết vào năm 290-325 Công Nguyên). Trong thời By-zăng-tinh, Em-mau Ni-cô-pô-lit đã được biến thành một thành phố lớn, và có cả toà Giám mục nữa. Ngay tại nơi Chúa Kitô Phục sinh hiện ra đã được xây dựng một khu phức hợp dành cho các hoạt động của Giáo hội, tại đó rất nhiều khách hành hương đã được tiếp đón, các tàn tích của công trình còn lưu lại cho đến hôm nay. Với sự chiếm đóng của người Hồi giáo vào thế kỷ thứ VII, Em-mau đã lấy lại tên gốc Sê–mit của mình, tiếng Ả-rập: « Amwas », « Imwas », nhưng không còn nắm giữ một vai trò nào với tư cách là trung tâm vùng cả.

Vào thời Viễn chinh thập tự, người Kitô giáo tái xuất hiện, nhà thờ By-zăng-tinh được trùng tu, tuy nhiên việc tưởng nhớ Chúa Phục Sinh hiện ra tại Em-mau dần dần được khách hành hương cử hành trong các nơi khác của Đất Thánh như Ha–mô–xa (6 km từ Giê–ru–sa–lem về hướng tây), Ku-bây–bê (12 km phía Tây Bắc Giê–ru–sa–lem, A–bu-gôt-sơ (Abou Gosh) (12 km phía tây Giê –ru –sa –lem).

Ngôi làng Ả-rập Am-vat (Amwas) rồi từ từ sẽ được nhìn nhận lại như là Em-mau được nói trong Kinh Thánh và Ni-co-po-lit la-mã by-zăng-tinh trong thời hiện đại, nhờ vào công trình nghiên cứu của các chuyên gia như: Edward Robinson (1838-1852), M.-V. Guérin (1868), Clermont-Ganneau (1874), J.-B. Guillemot (1880-1887); đồng thời nhờ vào những mạc khải được đón nhận bởi chân phước Ma–ri–am Bê–lem, một vị chân phước địa phương và là nữ đan viện Cát-minh tại Bê–lem, qua đó vào năm 1878 chính Chúa Giê–su đã chỉ cho nữ chân phước biết Am-vat chính là Em-mau của Tân Ước. Khu đất thánh Em-mau đã được các nữ đan viện Cát-minh mua lại từ tay người Hồi Giáo, các công trình khai quật khảo cổ được thực hiện, khách hành hương bắt đầu trở lại Em-mau Ni-cô-pô-lit. Ngôi làng Ả-rập Am-vat rồi lại bị phá hủy hoàn toàn sau đó trong cuộc chiến Sáu ngày năm 1967.